1. Thông tin về tháp Chăm Poshanư
Tháp Chăm nằm cách trung tâm thành phố Phan Thiết khoảng 7km và thuộc khu di tích lầu Ông Hoàng ngày xưa. Tháp tọa lạc trên ngọn đồi Bà Nài, mang nét kiến trúc đặc sắc cùng nghệ thuật độc đáo của người Chăm. Tất cả đã hòa quyện với nhau tạo nên một công trình ấn tượng mà vẫn còn nhiều nét đặc sắc đến nay chưa được giải thích hay khám phá toàn diện.
Địa chỉ: Đồi Bà Nài, phường Phú Hải, Phan Thiết, Bình Thuận
Giá vé tham quan tháp Chăm Poshanư:
– Người lớn, trẻ em trên 1.2m: 15.000đ/vé
– Trẻ em dưới 1.2m: Miễn phí
– Giờ mở cửa: 06h45 – 17h30
– Hướng dẫn di chuyển: Bạn chạy tới đường 715 thì rẽ phải vào đường Võ Nguyên Giáp, sau đó đến khu Phú Hải khoảng 20 phút là sẽ tới Tháp Chăm Poshanư Phan Thiết. Hãy tham khảo tuyến đường đề xuất bởi Google Maps dưới đây hoặc đi theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương để tránh lạc đường nhé.
2. Giai thoại và lịch sử khai quật tháp Chăm Poshanư
2.1 Câu chuyện lịch sử của tháp Chăm Poshanư
Dân tộc Chăm là một trong số 54 dân tộc anh em Việt Nam, được biết đến với nền văn minh rực rỡ cùng văn hóa đa dạng. Người dân địa phương cho biết tháp được xây dựng từ khoảng cuối TK VIII – đầu TK IX tại vương quốc Chăm Pa cổ. Nói về giai thoại của tháp Chăm Poshanư Phan Thiết thì không thể không kể đến câu chuyện tình son sắt của nàng công chúa Poshanư và vị lãnh chúa Po Sahaniempar.
Tương truyền vị lãnh chúa Po Sahaniempar theo đạo Hồi và vốn sống tại vùng Ma Lâm. Để đến với nhau hai người đã phải trải qua bao gian lao trắc trở, nhưng cuối cùng người em trai của nàng đã bày đủ trò để khiến chàng hiểu lầm. Trong một lần hành hương về ngài lãnh chúa không thấy vợ mình chờ đón và hiểu làm mình bị phản bội nên bỏ về phương Nam.
Sau khi biết tin công chúa đã đuổi theo để giải thích, nhưng đến nơi mới biết chồng mình đã đem lòng yêu một người con gái dân tộc Raglây tên là Chargo. Quá thất vọng, nàng quay về và tự sống ở Bianneh. Sau này vì quá thương tiếc và tưởng nhớ công ơn của bà, người dân đã tạc tượng công chúa đặt trong đền thờ tháp.
Cách đây khoảng hơn 30 năm, trong một cuộc khai quật khảo cổ người ta đã tìm được một đền thờ bị chôn vùi trong lòng đất sâu 300 năm. Sau đó đến năm 1990 – 2000, cả 3 ngọn tháp đều được tu bổ và tôn tạo lại theo đúng nét kiến trúc đặc trưng của người Chăm.
2.2 Tháp Poshanư thờ ai?
Tháp thờ thần Shiva, là một trong những vị thần Ấn Độ giáo được nhiều tín đồ sùng bái và tôn kính nhất của văn hóa Chăm Pa. Tới TK XV thì quần thể tháp được xây dựng bổ sung thêm thờ công chúa Poshanư – con gái vua Para Chanh. Công chúa được người dân Chăm Pa yêu quý nhờ cung cách ứng xử cùng vẻ đẹp tài đức ngời ngời. Nàng cũng là người đã chỉ dạy cho người dân cách trồng lúa nước, dệt vải thổ cẩm, chăn nuôi, trồng trọt…
3. Kiến trúc đặc biệt cùng nét văn hóa còn đọng lại tại tháp Chăm Poshanư
Theo thông tin chính thức được công bố thì tháp đã được nhà nước công nhận là di tích nghệ thuật cấp quốc gia. Các nhà nghiên cứu sử học nhận định kiểu kiến trúc của tháp Chăm Poshanư Phan Thiết là phong cách Hòa Lai. Nguyên liệu chính là những viên gạch đỏ gắn kết với nhau bằng loại chất kết dính đặc biệt mà tới nay chúng ta vẫn chưa thể khẳng định được đó là gì. Giả thiết được nhiều người đặt ra chính là một loại nhựa thực vật nào đó.
Bề mặt tháp thiết kế có hình vuông, càng lên cao thì càng nhỏ lại. Cửa tháp hình dạng vòm với những chi tiết hoa văn đặc sắc. Tổng một cụm tháp có 1 tháp chính cùng 2 tháp phụ. Tuy kích thước tháp chỉ khoảng vừa và nhỏ nhưng kiến trúc lại mang nét tổng hòa và chắt lọc được hết các tinh hoa cùng nghệ thuật trang trí siêu đẳng của người Chăm thời bấy giờ.
Tháp chính gồm 3 tầng, cao khoảng 15m nếu tính từ trong tháp lên tới đỉnh. Mỗi cạnh đáy của từng mặt tháp rộng khoảng 20m. Phía trên tháp chính có cửa to và là cửa chính dài, cố định hướng về phía Đông nơi thần linh của người Chăm cư ngụ. Hình dáng trang trí trên thân và chóp tháp Chăm Poshanư đều thể hiện hình mang tính đối xứng và đồng nhất.
Với 3 hướng Tây, Nam và Bắc còn lại cũng được xây thêm 3 chiếc cửa giả trang trí. Đặc biệt bạn có thể quan sát trên vòm cuốn cửa Tây sẽ có dải chạm khắc hình bông hoa và những hình tượng kỳ dị khác nhau mà tới nay vẫn chưa có ai giải đáp được.
Bên cạnh đó tháp Chăm Poshanư còn được xây với kết cấu không gian khá kín, chỉ có lỗ lớn để thông gió ra ngoài dưới những cửa sổ. Bên trong tháp chính đặt bệ thờ Linga-Yoni bằng đá, đây cũng là vật linh thiêng nhất trong đền thờ của người Hindu giáo.
Tháp phụ thờ thần bò Nanđin, vật cưỡi của thần Shiva. Tháp này chỉ cao khoảng 12m và mang kiến trúc tương tự tháp chính nhưng có phần đơn giản hơn. Tháp phụ còn lại thì thờ thần Lửa nhưng hiện giờ chỉ còn lại ít chi tiết và chiều cao hơn 4m, có duy nhất một cửa hướng Đông. Bởi bị tàn phá nặng nề nên hình điêu khắc trang trí bên ngoài tháp cũng bị bào mòn, đường nét gốc không được nguyên vẹn.
4. Lễ hội được tổ chức tại tháp Chăm Poshanư
Hằng năm tại di tích tháp Chăm Poshanư lại thường tổ chức nhiều lễ hội chào đón du khách ghé thăm. Hơn nữa cộng đồng người Chăm tại các khu vực lân cận cũng thường đến đây để cúng viếng, làm lễ cầu mưa, cầu bình an… thể hiện sự sùng bái với thần linh. Những lễ hội chính thường diễn ra ở tháp là:
Lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang: Được tổ chức khoảng tháng Giêng m lịch.
Lễ hội Katê: Diễn ra khoảng tháng 7 Chăm lịch (tức khoảng tháng 9 – 10 Dương lịch) với nhiều tiết mục đặc sắc. Trong dịp này chúng ta sẽ được thưởng thức những điệu múa nhịp nhàng theo tiếng nhạc cụ truyền thống như trống Ginăng, trống Paranưng, kèn Xaranai, Grong (lục lạc), đàn Kanhi…
5. Các trải nghiệm không thể bỏ lỡ tại tháp Chăm
Tính đến hiện tại nhóm tháp Chăm Poshanư là một trong những cụm tháp Chăm còn giữ được nét nguyên vẹn nhất tại Việt Nam. Chính quyền cũng đã tiến hành các đợt trùng tu sửa chữa, đảm bảo khả năng phục vụ du lịch cũng như tôn tạo và bảo vệ di tích. Cũng có lẽ bởi vì thế mà hằng năm khi đến mùa lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng người người lại tụ tập về tháp để làm lễ cầu mưa và cầu nguyện điều tốt lành cho mọi người.
5.1 Hóa thân chụp ảnh cạnh ngọn tháp
Nếu đã đến tìm hiểu và lắng nghe câu chuyện tại đây bạn sẽ hiểu được nét cuốn hút và ma mị của tháp Chăm Poshanư đến từ đâu. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể thỏa sức tạo dáng, chụp hình theo nhiều phong cách từ bí ẩn, truyền thống cho đến hiện đại.
5.2 Dạo quanh khuôn viên
Ngoài những tòa tháp thì khuôn viên nơi đây còn có những khu vực xanh đẹp mắt khác. Chẳng hạn hàng phượng ở lối đi dẫn lên tháp Chăm Poshanư hay vườn hoa giấy đặc trưng của Phan Thiết.
5.3 Trò chuyện cùng người Chăm
Trong khu vực tháp có nhiều người Chăm sinh sống nên bạn có thể giao lưu, học hỏi văn hóa, con người đồng bào từ họ.
5.4 Thưởng thức nghệ thuật dân gian của người Chăm
Tại đây bạn có thể tìm hiểu văn hóa dân gian người Chăm thông qua những tiết mục nghệ thuật dân gian, chẳng hạn như xem người bản địa dệt vải thủ công.
Bởi nằm ngay trên cung đường từ Phan Thiết đi Mũi Né nên bạn có thể ghé thăm tháp Chăm Poshanư rất dễ dàng. Nếu xuất phát từ Mũi Né bạn có thể đi xe bus số 1 hoặc số 9 đi thẳng đến tháp, hoặc không muốn chờ lâu thì chúng ta đi bằng xe taxi hoặc thuê xe jeep.