Bánh khọt, cái tên nghe lạ tai nhưng lại là món ăn vô cùng bình dị và dân dã của vùng sông nước Nam Bộ, có sức hút đặc biết đối với du khách bởi những chiếc bánh tròn, vàng ruộm, không cầu kỳ hoa mỹ. Món ăn mang đậm nét riêng biệt này không chỉ nổi tiếng với du khách trong nước mà còn được nhiều khách quốc tế biết đến khi du lịch Vũng Tàu.
Lựa chọn nguyên liệu được coi là một trong những yếu tố chính để làm nên hương vị chiếc bánh khọt ngon. Đầu tiên chủ quán sẽ phải rất chú trọng đến lựa chọn nguyên liệu như tôm, thịt, rau sống, gạo để làm bánh vì nó ảnh hưởng đến màu sắc hay độ bắt mắt, hấp dẫn của món ăn.
Bánh được xếp vào hàng dân dã nên nguyên liệu để làm bánh cũng không có gì cầu kỳ, khó kiếm. Được làm từ bột gạo, thế nhưng lại không giống như các loại bánh làm từ bột gạo khác nên chế bột là một công đoạn cũng rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian.
Để có thể chế tạo ra lớp vò vàng ươm và giòn rụm, người chế biến phải trộn các loại bột với nhau theo tỷ lệ nhất định, theo một bí quyết riêng. Gạo phải chọn loại gạo ngon, mới, xay ra thành bột ướt, gạo nấu thành cơm và làm bún để nguội rồi lại xay thành bột đặc. Đây chính là công đoạn quyết định đến vị ngon của bánh. Bột gạo được pha với nước theo một tỉ lệ nhất định. Nếu pha đặc quá, bánh sẽ bị đặc, bở; còn nếu bột lỏng quá thì bánh sẽ mỏng và không ngon. Chiếc bánh đạt chuẩn là không quá dày cũng không quá mỏng, khi ăn giòn nhưng vẫn giữ được độ dai nhất định.
Phần nhân bánh là thành phần quyết định đến độ ngon của bánh, thường là nhân tôm. Những con tôm tươi rói sau khi mua về được bóc vỏ một cách khéo léo, làm sao cho giữ được vị ngon ngọt tự nhiên cũng như màu sắc bắt mắt. Ngoài ra cũng có bánh khọt nhân thịt, nhân thập cẩm, chả cá hay bánh khọt chay với nhân đậu xanh. Tuy nhiên bánh khọt nhân tôm vẫn được thực khách lựa chọn nhiều nhất. Mỗi nhân là một con tôm lõi, màu hồng của thân tôm nổi bật trên nền bột trắng, thêm một chút bột tôm đỏ au rắc quanh đĩa tạo nên sự bắt mắt cho người ăn.
Đổ bánh khọt như thế nào để được vàng đều, giòn ngon, đó cũng là cả một nghệ thuật lớn, đòi hỏi sự khéo léo của người đầu bếp. Trước khi đổ bánh, người đầu bếp đặt khuôn lên bếp cho nóng, sau đó dùng mỡ heo thoa đều lên các khuôn, chế một lượng bột vừa đến mặt khuôn, cho tôm tươi đã bóc vỏ vào giữa và đậy nắp lại chờ đến lúc bánh chín. Khi bánh vừa chín tới, đầu bếp gắp bánh ra đĩa, rắc lên bề mặt một ít tôm cháy, mỡ hành.
Bánh khọt được ăn kèm với các loại rau sống rau sống như như cải xanh, xà lách, tía tô, diếp cá… và đu đủ thái sợi khiến bánh khọt vốn đã hấp dẫn nay còn hấp dẫn hơn nhiều lần.
Linh hồn của món ăn này chính là thứ nước chấm được pha chua ngọt, và cách pha chế này cũng chỉ những người có kinh nghiệm mới pha chuẩn vị được. Chấm miếng bánh đã được cuốn lại cùng rau thơm vào nước chấm rồi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận vị tôm thịt hòa quyện với mùi thơm của mỡ hành, của sự giòn giòn của bột, khiến bạn muốn ăn mãi không thôi.